BỘ PHẬN THCS – TRƯỜNG TH&THCS KỲ NAM TỔ CHỨC CHUYÊN ĐỀ “SỬ DỤNG THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ VÀ HỌC LIỆU ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY VÀ HỌC MÔN NGỮ VĂN”

Thứ bảy - 30/03/2024 07:45
BỘ PHẬN THCS – TRƯỜNG TH&THCS KỲ NAM TỔ CHỨC CHUYÊN ĐỀ “SỬ DỤNG THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ VÀ HỌC LIỆU ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY VÀ HỌC MÔN NGỮ VĂN”
Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ cấp học trung học cơ sở năm học 2023-2024, để phát huy vai trò của Tổ chuyên môn trong thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; củng cố và nâng cao chất lượng giảng dạy các bộ môn nói chung và môn Ngữ văn nói riêng trong nhà trường, chiều ngày 28/03/2024, bộ phận THCS - Trường TH & THCS Kỳ Nam đã tổ chức chuyên đề “Giải pháp sử dụng thiết bị công nghệ và học liệu để nâng cao hiệu quả dạy và học môn Ngữ văn”.

Chuyên đề gồm hai phần: bắt đầu là phần báo cáo lý thuyết chuyên đề và sau đó là tiết dạy minh họa môn Ngữ văn lớp 6 tại lớp 6A “Bài 9: Truyện (Truyện ngắn) – Đọc hiểu văn bản: Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh)” đều do cô Nguyễn Thị Ngọc Mai – Giáo viên Ngữ văn thực hiện.
 
.

Như chúng ta đã biết, thiết bị và học liệu dạy học là một công cụ không thể thiếu đối với một giáo viên đứng lớp. Nó là một dụng cụ trực quan, sinh động giúp cho giáo viên truyền đạt kiến thức đến học sinh một cách hiệu quả nhất. Đồng thời việc sử dụng thiết bị và học liệu dạy học góp phần tăng sự hứng thú và yêu thích đối với việc học môn Ngữ văn ở học sinh. Hầu hết trong thời đại công nghệ 4.0 như ngày nay thì đa số các giáo viên đều biết ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trong đó có sử dụng thiết bị và học liệu dạy học. Tuy nhiên sử dụng thiết bị và học liệu dạy học gì và mức độ như thế nào cho phù hợp, đạt hiệu quả cao mới là điều cần thiết. Bên cạnh đó, học liệu số và thiết bị công nghệ có vai trò rất quan trọng bởi đây là “nguồn tiềm lực” quan trọng để khai thác và sử dụng trong dạy học, giáo dục. Thực tế cho thấy, khó có thể tách rời khi nói về vai trò của chúng trong dạy học, giáo dục. Thiết bị công nghệ và học liệu số tạo động lực, kích thích người dạy khai thác ý tưởng dạy học mới. Chẳng hạn với một ý tưởng sư phạm tổ chức kế hoạch bài dạy thành một “game show”- trò chơi giáo dục liên hoàn, nếu không có học liệu số hay thiết bị công nghệ, giáo viên khó có thể thực hiện một cách khả thi với các điều kiện về thời gian, môi trường, thiết bị dạy học… không thay đổi.
 
.

Trong phần báo cáo, đ.c Nguyễn Thị Ngọc Mai đã nêu ra các giải pháp cụ thể để khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ và học liệu số áp dụng trong hoạt động dạy – học phổ biến. Để phát huy hiệu quả thì giáo viên cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng về các bài học để có kế hoạch cụ thể đối với việc sử dụng thiết bị và học liệu dạy học. Để tránh sai sót giáo viên nên chuẩn bị học liệu dạy học trước 1 tuần khi áp dụng trong tiết học. Đồng thời, nên ghi chép lại những ưu điểm và tồn tại của mỗi học liệu dạy học sau khi áp dụng để rút kinh nghiệm. Đặc biệt muốn thực hiện những nội dung trên có hiệu quả đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, tạo cho mình một trình độ chuyên môn vững vàng, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, thường xuyên học hỏi rút kinh nghiệm ở các đồng nghiệp.
Sau phần báo cáo chuyên đề là tiết dạy minh họa được thực hiện tại lớp 6A với nội dung: “Bài 9: Truyện (Truyện ngắn) – Đọc hiểu văn bản: Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh)” (Tiết 1 – Tiết theo PPCT: 114) do cô Nguyễn Thị Ngọc Mai – Giáo viên Ngữ văn thực hiện.
 
.

Tiết dạy đã áp dụng chính các giải pháp đề ra trong phần báo cáo lý thuyết: đó là sử dụng thiết bị công nghệ (máy tính kết nối máy chiếu đa năng), học liệu (Video ở phần khởi động bài học; Phiếu học tập cá nhân chuẩn bị bài ở nhà cho tiết học, PHT nhóm, bảng kiểm....).
 
.

Và đặc biệt qua việc hỗ trợ của thiết bị công nghệ, giáo viên đã tổ chức hoạt động luyện tập thành Minigame “Rung chuông vàng” tạo hứng thú cho học sinh, tinh thần sảng khoái sau nội dung bài mới.
 
.

.

.


Chuyên đề kết thúc, các giáo viên trong bộ phận đã thực hiện nhận xét, chỉ ra những ưu điểm, hiệu quả thiết thực của các giải pháp đề ra; khen ngợi các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực được sử dụng trong tiết học để phát huy phẩm chất năng lực cho học sinh. Đồng thời, cũng góp ý những hạn chế và bổ sung thêm cho chuyên đề hoàn thiện để áp dụng rộng rãi không chỉ trong bộ môn Ngữ văn mà còn cho các môn học khác.
 
.
.

Tác giả bài viết: Lê Thị Thùy Trinh

Nguồn tin: Trường TH&THCS Kỳ Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây